Lịch sử phát triển PGM-19 Jupiter

Cấu hình ban đầu

Lịch sử của tên lửa Jupiter bắt nguồn từ tên lửa PGM-11 Redstone, tên lửa đạn đạo hạt nhân đầu tiên của Mỹ. Trong khi PGM-11 được đưa vào trang bị, nhóm của Cục Tên lửa Đạn đạo Quân đội-Army Ballistic Missile Agency (ABMA) đứng đầu là Wernher von Braun tại Redstone Arsenal đã bắt đầu xem xét một phiên bản nâng cấp sử dụng động cơ tên lửa LR89 đang được Rocketdyne phát triển cho dự án tên lửa Atlas của Không quân. Sử dụng động cơ LR89 và bổ sung tầng đẩy thứ hai sẽ cho phép thiết kế tên lửa mới đạt tầm bắn 1.000 hải lý (1.900 km; 1.200 dặm),[1] là một sự nhảy vọt đáng kể so với tầm bắn của tên lửa Redstone chỉ khoảng 60 dặm (97 km).

Khi Rocketdyne tiếp tục công việc phát triển trên động cơ LR89, dường như nó có thể được cải tiến để tăng lực đẩy lên trên lực đẩy dự tính trước đó là 120.000 pound lực (530.000 N). Năm 1954, Lục quân yêu cầu Rocketdyne cung cấp một động cơ tương tự có lực đẩy 135.000 pound lực (600.000 N).[2] Cũng trong giai đoạn này, các thiết kế đầu đạn hạt nhân đã thu nhỏ về kích thước và trọng lượng. Do vậy Lục quân có thể phát triển một tên lửa ICBM với động cơ mới cho phép mang theo đầu đạn nặng 2.000 pound (910 kg) tới mục tiêu cách xa 1.500 hải lý (2.800 km; 1.700 dặm). Trong khi tên lửa vẫn sử dụng thiết kế một tầng đẩy duy nhất-đơn giản hơn nhiều so với ICBM hai tầng. Động cơ tên lửa sau đó vẫn được tiếp tục nâng cấp, đạt tới lực đẩy tối đa là 150.000 pound lực (670.000 N).[1] Phiên bản động cơ cuối cùng được đặt tên theo công ty sản xuất Rocketdyne là S-3.[3]

Sự quan tâm của Hải quân

Đô đốc Arleigh Burke là người nhấn mạnh việc phát triển tên lửa SLBM.

Cũng trong khoảng thời gian này, Hải quân cũng cố gắng trang bị vũ khí hạt nhân trên các tàu của mình, điển hình là các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân. Hải quân cũng cân nhắc việc phát triển tên lửa đạn đạo trang bị trên tàu ngầm, tuy nhiên Đô đốc Hyman Rickover, "cha đẻ" của lực lượng tàu ngầm hạt nhân Mỹ, không mặn mà với phương án này. Ông cho rằng nó sẽ làm ảnh hưởng đến khoản đầu tư cho các dự án phát triển khác của Hải quân.[4] Trong số những người phản đối có Giám đốc tác chiến hải quân, Robert B. Carney.[5]

Các sĩ quan cấp thấp hơn vẫn kiên trì theo đuổi việc phát triển tên lửa hạt nhân cho tàu ngầm, nhất là khi cả Lục quân và Không quân đều đang phát triển ICBM riêng của họ. Các sĩ quan này đã liên hệ với Ủy ban cố vấn Tổng thống Kilian để đánh giá về tính khả thi của việc này, và vào tháng 9 năm 1955, Ủy ban này đã ra một báo cáo trong đó họ ủng hộ về việc phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ biển.[5]

Mối quan tâm tới SLBM của Hải quân Hoa Kỳ càng tăng lên khi Đô đốc Arleigh Burke lên thay thế Carney tháng 8 năm 1955. Burke tin rằng Hải quân cần có loại tên lửa đạn đạo của riêng mình càng sớm càng tốt, ông đã tiếp cận Lục quân Mỹ, và thấy rằng tên lửa Jupiter đạt yêu cầu về tầm bắn của Hải quân Mỹ.[5]

Phát triển

Vấn đề là ai sẽ được giao trọng trách đi đầu trong phát triển tên lửa IRBM đã được trao cho Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân (JCS), nhưng Hội đồng này không thể đưa ra được quyết định. Điều này khiến cho Bộ trưởng quốc phòng Charles Erwin Wilson phải đưa ra quyết định, theo đó vào ngày 8 tháng 11 năm 1955 đã phê duyệt cả hai chương trình. Không quân sẽ phát triển IRBM số 1, hoặc SM-75 (cho "tên lửa chiến lược"), Lục quân sẽ phát triển thiết kế của họ như IRBM số 2 hoặc SM-78. Hải quân sẽ phát triển các hệ thống phóng cho tên lửa SM-78 từ tàu nổi và sau đó là tàu ngầm.[5][6]

Yêu cầu về bảo quản và hạ thủy trên tàu quyết định tới kích thước và hình dạng thiết kế của tên lửa Jupiter. Tên lửa nguyên bản có chiều dài 92 foot (28 m) và đường kính 95 inch (2.400 mm). Trong khi đó Hải quân yêu cầu tên lửa phải không được dài quá 50 foot (15 m). Nhóm thiết kế ABMA do đó đã tăng đường kính tên lửa lên thành 105 inch (2.700 mm). Điều này đã khiến không thể vận chuyển tên lửa bằng các máy bay chở hàng thời kỳ đó, giới hạn việc vận chuyển chỉ bằng đường biển và đường bộ. Tuy nhiên, nhóm thiết kế vẫn không thể giảm chiều dài của nó đủ để phù hợp với yêu cầu của Hải quân. Nhóm thiết kế đề xuất rằng Hải quân nên trang bị phiên bản dài 60 foot (18 m) trước và các phiên bản tên lửa kế tiếp sẽ có chiều dài giảm đi khi những cải tiến về động cơ được đưa vào thiết kế. Hải quân từ chối, và sau khi tham khảo phiên bản tên lửa dài 55 foot (17 m), cuối cùng Hải quân đồng ý lựa chọn phiên bản tên lửa dài 58 foot (18 m).[7]

Ngày 2 tháng 12 năm 1955, người đứng đầu Lục quân và Hải quân Hoa Kỳ đã tuyên bố dự án phát triển chung nhằm phát triển tên lửa MRBM phiên bản phóng từ trên bộ và trên biển. Tháng 4 năm 1956, Lục quân Mỹ đặt tên cho tên lửa đạn đạo của họ là "Jupiter" còn Không quân đặt tên cho tên lửa của họ là "Thor".[1]

Độ chính xác và nhiệm vụ của tên lửa

PGM-11 Redstone cho độ chính xác vòng tròn là 300 mét (980 ft) tại tầm bắn tối đa, mà theo đó, kết hợp với đầu đạn hạt nhân cỡ lớn, sẽ cho phép tấn công các mục tiêu kiên cố và chiến lược như sân bay, cầu, trung tâm chỉ huy, cũng như các mục tiêu chiến thuật như đường tàu hỏa, các bãi tập kết quân sự. Điều này phù hợp với quan điểm của Quân đội về vũ khí hạt nhân, coi tên lửa như là một loại pháo tầm xa hơn cũng như có sức mạnh lớn hơn. Họ coi tên lửa đạn đạo tầm trung như Jupiter là một phần của trận chiến quy mô lớn ở châu Âu, trong đó cả hai bên sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc chiến hạn chế không bao gồm việc sử dụng vũ khí chiến lược trên các thành phố của nhau. Trong trường hợp đó, "nếu các cuộc chiến tranh được hạn chế, những vũ khí như vậy sẽ chỉ có khả năng tấn công các mục tiêu chiến thuật." Cách tiếp cận này nhận được sự ủng hộ của một số nhân vật có ảnh hưởng, đặc biệt là Henry Kissinger, và đây được coi là mục tiêu duy nhất của tên lửa Jupiter khi đưa vào trang bị.[8]

Mục tiêu ban đầu của tên lửa tầm xa mới là đạt được độ chính xác tương đương với tên lửa Redstone tại tầm bắn xa hơn nhiều. Nghĩa là nếu tên lửa PGM-11 Redstone có thể đạt bán kính chính xác 300 m ở khoảng cách 60 dặm, thì tên lửa mới phải có sai số bán kính vào khoảng 7 kilômét (4,3 dặm). Tên lửa được thiết kế bởi nhóm thiết kế ABMA, người đứng đầu là Fritz Mueller.[9]

Quá trình thiết kế đã dẫn đến thiết kế một loại tên lửa có độ chính xác khoảng 0,5 dặm (0,80 km) ở tầm bắn tối đa, một sự chính xác tốt hơn nhiều so với tên lửa Redstone và chính xác hơn gấp bốn lần so với thiết kế INS tốt nhất đang được sử dụng bởi Không quân Mỹ.

Không quân Mỹ cố gắng chống lại sự phát triển tên lửa Jupiter của Lục quân. Họ lập luận rằng vũ khí hạt nhân không phải là sử dụng giống như một loại pháo tầm xa đơn thuần, và việc sử dụng chúng sẽ ngay lập tức gây ra phản ứng có thể châm ngòi một cuộc chiến tranh hạt nhân. Điều này đặc biệt đúng nếu Lục quân phóng một tên lửa tầm xa như Jupiter, có thể vươn tới các thành phố ở Liên Xô và không thể biết được ngay là tên lửa nhằm đến mục tiêu quân sự hay dân sự. Họ cho rằng bất cứ khi nào phóng tên lửa hạt nhân tầm xa như Jupiter, Liên Xô sẽ ngay lập tức có biện pháp đáp trả tương ứng, do đó, Lục quân không được phép phát triển vũ khí hạt nhân tầm xa.[9]

Tuy nhiên, khi đội ngũ thiết kế của Von Braun đi hết từ thành công này đến thành công khác, trong khi tên lửa Atlas còn cần nhiều năm nữa trước khi có thể đưa vào trang bị, rõ ràng rằng, tên lửa Jupiter đã mang đến một mối đe dọa đối với tham vọng trở thành lực lượng răn đe hạt nhân chính của Không quân Mỹ. Điều này đã khiến cho họ bắt đầu khởi động chương trình tên lửa MRBM Thor, dù cho họ đã nhiều lần loại bỏ vai trò của tên lửa đạn đạo tầm trung trong quá khứ.[10] Cuộc đối đầu trong chương trình tên lửa giữa Lục quân và Không quân Mỹ trở nên gay gắt dần trong suốt năm 1955 và 1956 cho đến khi thực tế mọi hệ thống tên lửa mà Lục quân phát triển đều bị chỉ trích trên các mặt báo.[11]

Hải quân rút khỏi chương trình Jupiter

Tên lửa đạn đạo Polaris của Hải quân Mỹ có tầm bắn tương đương với Jupiter.

Khi bắt đầu dự án phát triển Jupiter, Hải quân Mỹ quan ngại về việc tên lửa Jupiter sử dụng nhiên liệu cryogenic độc hại và dễ bắt cháy, nhưng họ cũng không có phương án nào khác vào thời điểm đó. Với yêu cầu giới hạn về kích thước và trọng lượng tên lửa, chỉ có tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng mới đủ khả năng cung cấp đủ lực đẩy để đáp ứng yêu cầu về tầm bắn sao cho hạm đội Hải quân có thể bắn tên lửa từ khu vực biển an toàn ở Đại Tây Dương. Do đó Hải quân Mỹ phải chấp nhận rủi ro.

Tất cả những điều này đã thay đổi hoàn toàn vào mùa hè năm 1956, khi diễn ra dự án Nobska quy tụ các nhà khoa học hàng đầu để nghiên cứu về tác chiến chống ngầm. Trong buổi hội thảo, Edward Teller tuyên bố rằng đến năm 1963 một đầu đạn đương lượng nổ 1 megaton sẽ có thể được thu nhỏ lại chỉ nặng khoảng 600 pound (270 kg).[12] Các chuyên gia tên lửa trong cùng buổi hội nghị đã gợi ý rằng, có thể chế tạo một loại tên lửa tầm trung nhiên liệu rắn có thể mang theo một đầu đạn hạt nhân kiểu này. Thậm chí trong trường hợp này, tên lửa cũng sẽ nhỏ hơn nhiều so với Jupiter; Jupiter được dự kiện có trọng lượng phóng khoảng 160.000 pound (73.000 kg), trong khi ước tính tên lửa nhiên liệu rắn có tầm bắn tương tự sẽ có trọng lượng gần 30.000 pound (14.000 kg). Cùng với đó là tên lửa mới cũng sẽ nhỏ hơn về kích thước, một yếu tố tối quan trọng trong thiết kế tàu ngầm.[13]

Hải quân Mỹ tuyên bố họ sẽ phát triển tên lửa của riêng mình, ban đầu gọi là Jupiter-S. Sau các nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo, Hải quân rút khỏi chương trình tên lửa Jupiter vào tháng 12 năm 1956. Lục quân cũng tiến hành thông báo về điều này vào tháng 1 năm 1957.[14] Từ đó, Hải quân bắt đầu Chương trình tên lửa đạn đạo dành cho Hạm đội, tên lửa đạn đạo được Hải quân phát triển về sau này được đổi tên là Polaris, trở thành tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Mỹ.[15]

Chương trình bị hủy bỏ rồi lại được hồi sinh

Bộ trưởng quốc phòng Neil McElroy thăm dây chuyền lắp ráp tên lửa Jupiter tại ABMA. ABMA tham gia chế tạo các mẫu thử nghiệm, trong khi Chrysler sẽ sản xuất các phiên bản của tên lửa.

Vào ngày mùng 4 tháng 10 năm 1957, Liên Xô phóng thành công tên lửa Sputnik I bằng tên lửa đẩyR-7 Semyorka. Chính phủ Mỹ đã nhận thức được thành công bước đầu của Liên Xô trong chinh phục không gian, trong buổi họp báo, chính phủ Mỹ cho rằng việc Liên Xô phóng vệ tinh trước không phải là một vấn đề gì lớn.[16] Giới báo chí đã bị bất ngờ vì tuyên bố này và vụ việc trở thành chủ đề lớn trên các mặt báo. Sau hơn thập kỷ phát triển các tên lửa đẩy tương tự, như là tên lửa SM-65 Atlas, sự thật là Liên Xô đã vượt qua Mỹ trong việc chinh phục không gian đã giáng một đòn mạnh vào chương trình tên lửa của Mỹ, thúc đẩy nghiên cứu sâu hơn các chương trình tên lửa của mình.[17]

Một vấn đề được người ta chú ý là việc Lục quân và Không quân Mỹ đều đang nỗ lực phát triển các tên lửa tương tự nhau, trùng lặp về mục đích, dẫn đến lãng phí các nguồn lực. Bộ quốc phòng giải quyết điều này bằng cách thành lập Cục nghiên cứu dự án cao cấp-The Department of Defense responded by creating the Advanced Research Projects Agency (ARPA), mà ban đầu sẽ tiến hành rà soát tất cả các dự án đang diễn ra, và lựa chọn các thiết kế tên lửa chỉ dựa theo đặc tính kỹ thuật của chúng.[18]

Cùng lúc đó, cuộc đối đầu giữa Lục quân và Không quân Hoa Kỳ đã bắt đầu có tác động chính trị tiêu cực. Trong một bản ghi nhớ ngày 26 tháng 11 năm 1956, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ mới được bổ nhiệm Charles Erwin Wilson đã cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách hạn chế Lục quân chỉ được trang bị những vũ khí có tầm bắn dưới 200 dặm (320 km), và các hệ thống vũ khí phòng không có tầm bắn dưới 100 dặm (160 km).[19] Bản ghi nhớ này cũng đặt ra giới hạn tài trọng máy bay trong các chiến dịch tác chiến đường không của Lục quân. Ở một mức độ nào đó, các vũ khí hiện có trong trang bị của Lục quân đều thỏa mãn giới hạn này, trừ tên lửa PGM-19 Jupiter. Lục quân đã phải chuyển giao cho Không quân quyền phát triển và sử dụng tên lửa này.[20]

Tất nhiên, Không quân không quan tâm đến việc tiếp quản một hệ thống vũ khí mà họ cho rằng từ lâu là không cần thiết. Tuy nhiên, các nghiên cứu của ARPA rõ ràng cho thấy đây là một loại tên lửa đạn đạo tuyệt vời và tên lửa vẫn được tiếp tục sản xuất. Các đơn đặt hàng mới cho 32 mẫu thử nghiệm và 62 tên lửa đã được tiến hành, nâng tổng số tên lửa PGM-19 Jupiter lên 94. Chiếc đầu tiên, được chế tạo và lắp ráp tại ABMA, được giao vào cuối năm 57 và các mẫu sản xuất đầu tiên được sản xuất bởi Nhà máy lắp ráp tên lửa của Chrysler gần Warren, Michigan từ năm 58 đến năm 61.[18]

Tên lửa Jupiter là một thiết kế tên lửa tốt, nhưng có tầm bắn nhỏ hơn tầm của các loại vũ khí tấn công của Liên Xô. Điều này khiến cho Lục quân Mỹ cố gắng phát triển phiên bản Jupiter phóng từ bệ phóng di động, nhằm khiến cho khó có thể tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu mà không có sự trinh sát đường không.[9]

Tuy nhiên vào tháng 11 năm 1958, Không quân Mỹ quyết định chỉ triển khai Jupiter từ căn cứ cố định. Để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công từ tên lửa đối phương, hệ thống được nâng cấp khả năng phóng sao cho tên lửa có thể được phóng đi chỉ sau 15 phút kể từ khi có lệnh phóng.[18]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: PGM-19 Jupiter http://microform.at/?type=hcard-rdf&url=http://vi.... http://www.astronautix.com/fam/jupiter.htm http://www.astronautix.com/j/jupitera.html http://www.astronautix.com/lvs/jupiter.htm http://maps.bing.com/GeoCommunity.asjx?action=retr... http://www.collectspace.com/ubb/Forum41/HTML/00022... http://maps.google.com/maps?q=http://microform.at/... http://www.space.com/missionlaunches/sputnik_45th_... http://www.spacelaunchreport.com/jupiter.html http://www.thestate.com/2010/10/06/1499016/the-201...